Vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần ở người cao tuổi

Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào kỷ nguyên dân số già. Báo cáo của The Economist ngày 8 tháng 11 năm 2018 chỉ ra rằng, hiện tại, nhóm người trên 60 tuổi chiếm khoảng 12% tổng dân số của Việt Nam và dự kiến sẽ tăng lên 21% vào năm 2040, đây là một trong những tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Các vấn đề tâm lý thường gặp ở người cao tuổi

1.1 Cảm giác cô đơn và khao khát được chăm sóc

Người cao tuổi thường cảm thấy bị lãng quên do con cháu bận rộn với cuộc sống riêng. Họ mong muốn được sống vui vẻ bên gia đình và được coi trọng, không phải là gánh nặng. Họ sợ cô đơn và không muốn ở một mình. Vì vậy, việc quan tâm và chăm sóc người cao tuổi là rất quan trọng để họ cảm thấy được yêu thương và giúp họ có tâm trạng tốt hơn, từ đó kéo dài tuổi thọ.

1.2 Cảm giác tủi thân

Nhiều người cao tuổi vẫn giữ được sức khỏe để giúp đỡ gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, một số người do tuổi tác và sức khỏe suy giảm phải phụ thuộc vào người khác, dễ cảm thấy chán chường và tự trách mình. Sự thay đổi trong khả năng vận động và quan điểm sống so với thế hệ trẻ có thể khiến họ cảm thấy bị coi thường. Đặc biệt, người cao tuổi thường xuyên ốm đau cần sự chăm sóc, điều này có thể tạo áp lực và lo lắng cho họ.

1.3 Tính khí nóng nảy

Người cao tuổi thường có tính khí nóng nảy và dễ cảm thấy tự ti. Sự thay đổi vị trí trong gia đình từ người chăm sóc thành người được chăm sóc có thể làm họ dễ bị tổn thương và khó kiềm chế cảm xúc. Những người nghỉ hưu thường cảm thấy buồn chán và mất ngủ, dẫn đến stress và các vấn đề sức khỏe khác.

1.4 Mặc cảm hoài nghi

Sự lo lắng và nóng nảy thường xuất phát từ việc suy nghĩ quá nhiều. Người cao tuổi rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý, làm giảm sức khỏe của họ. Việc quan tâm và chăm sóc tâm lý cho họ có thể giúp giảm bớt những cảm xúc tiêu cực này.

1.5 Sợ hãi trước cái chết

Mặc dù sinh tử là quy luật tự nhiên, người cao tuổi vẫn thường cảm thấy sợ hãi khi đối mặt với cái chết. Một số người lớn tuổi chuẩn bị sẵn sàng cho việc hậu sự, trong khi những người khác lại không chấp nhận và tránh né suy nghĩ về cái chết.

Các bệnh lý tâm thần thường gặp ở người cao tuổi

2.1. Trầm cảm tuổi già:

Thống kê từ y văn trên thế giưới cho thấy khoảng 20% người cao tuổi có biểu hiện ít nhất một dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, chỉ có từ 2 đến 3% trong số họ thực sự trải qua đầy đủ các triệu chứng điển hình của bệnh này.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: giới tính nữ, tiền sử mắc bệnh trầm cảm hoặc lo âu, tính cách ám ảnh, đau mãn tính, dị tật cơ thể, stress gần đây, khó khăn trong quan hệ xã hội hoặc tình hình tài chính. Bệnh trầm cảm có thể được kích hoạt bởi các bệnh lý cơ thể như ung thư, đột quỵ, hoặc các bệnh thoái hóa thần kinh, cũng như việc sử dụng một số loại thuốc. Rủi ro tự tử trong số người cao tuổi này là rất cao, đặc biệt là trong số những người sống một mình.

Các dấu hiệu lâm sàng thường thấy ở bệnh nhân trầm cảm bao gồm tình trạng uể oải kéo dài, thiếu hứng thú và quan tâm, cảm giác lo lắng hoặc bất an. Người bệnh thường có tốc độ suy nghĩ và hành động chậm lại, phàn nàn về khả năng tập trung kém và trí nhớ suy giảm, cảm thấy bi quan và không muốn giao tiếp với xã hội, cảm giác mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn và giảm cân. Họ cũng có thể trải qua hoang tưởng về bệnh tật, bị đánh cắp hoặc cảm giác tội lỗi. Ảo giác không thường xuyên xuất hiện nhưng khi có thì thường liên quan đến những nhận thức sai lệch.

2.2 Rối loạn lo âu ở người cao tuổi

Dấu hiệu chủ yếu của rối loạn lo âu là cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng một cách không kiểm soát được. Rối loạn này cũng có thể dẫn đến tình trạng khó thở, mất ngủ, không thể yên tâm hoặc tập trung. Tùy thuộc vào dạng rối loạn lo âu mà bạn mắc phải, các triệu chứng có thể khác nhau. Một số triệu chứng mà mọi người hay gặp bao gồm:

  • Cảm giác hoảng sợ, sợ hãi, không an tâm hoặc không an toàn
  • Khó ngủ, cảm giác sợ hãi và lo lắng ngay cả khi đang ngủ
  • Không thể giữ được sự bình tĩnh hoặc không thể đứng yên
  • Cảm giác lạnh, tê ran hoặc ngứa, đổ mồ hôi ở tay hoặc chân
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Tim đập nhanh
  • Cảm giác khô miệng và buồn nôn
  • Cơ bắp căng thẳng
  • Cảm giác chóng mặt
  • Giảm khả năng tập trung
  • Suy nghĩ ám ảnh về một vấn đề liên tục
  • Thực hiện các hành vi nghi thức như rửa tay hoặc kiểm tra khóa cửa nhiều lần
  • Khó giữ bình tĩnh hoặc kiểm soát cơn lo âu

2.3. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Sa sút trí tuệ ở người già là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng tàn tật và sự phụ thuộc ở người cao tuổi khắp thế giới. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho người mắc bệnh mà còn ảnh hưởng đến gia đình họ.

Suy giảm nhận thức là một hội chứng bao gồm sự suy giảm của trí nhớ, khả năng suy nghĩ, hành vi và thực hiện các công việc hàng ngày. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tâm lý, xã hội và kinh tế của người bệnh và cả những người chăm sóc họ.

Mặc dù suy giảm nhận thức thường gặp ở người già, nhưng nó không phải là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên mà là kết quả của các vấn đề sức khỏe khác. Bệnh Alzheimer là loại suy giảm nhận thức phổ biến nhất, chiếm khoảng 60-70% trường hợp.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm béo phì và cao huyết áp ở độ tuổi trung niên, huyết áp thấp ở người già, tiểu đường, đột quỵ, tăng cholesterol, lạm dụng rượu và chất kích thích, và tiền sử gia đình mắc bệnh suy giảm nhận thức, trầm cảm…

Giai đoạn tiền lâm sàng:

  • Bắt đầu từ 10-20 năm trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.
  • Triệu chứng đầu tiên là giảm trí nhớ, đặc trưng của suy giảm nhận thức nhẹ. Các xét nghiệm lâm sàng và trí nhớ cho kết quả bình thường.
  • Không có bất thường nào trong tư duy hoặc hoạt động hàng ngày.

Giai đoạn nhẹ:

  • Giảm trí nhớ là triệu chứng xuất hiện đầu tiên.
  • Vong ngôn: Khó tìm từ và nói không mạch lạc.
  • Vong tri: Nhầm lẫn địa điểm quen thuộc, dễ bị lạc.
  • Vong hành: Không chú ý đến việc ăn mặc, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc hàng ngày.
  • Thay đổi tâm trạng và tính cách, cảm giác lo âu.

Giai đoạn trung bình: thường được phát hiện ở giai đoạn này

  • Suy giảm trí nhớ nghiêm trọng hơn: Quên cả hiện tại và quá khứ.
  • Vong ngôn: Ngôn ngữ không mạch lạc, sai ngữ pháp.
  • Vong tri: Lạc đường ngay cả trong môi trường quen thuộc.
  • Vong hành: Thực hiện sai lệch các công việc hàng ngày như mua sắm, nấu ăn, mặc quần áo…
  • Triệu chứng về rối loạn loạn thần và rối loạn hành vi.

Giai đoạn nặng:

  • Trí nhớ: Mất trí nhớ nghiêm trọng.
  • Ngôn ngữ: Mất khả năng ngôn ngữ, không thể giao tiếp.
  • Vong tri: Không nhận ra người thân và môi trường xung quanh.
  • Vong hành: Hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc.
  • Các triệu chứng là biến chứng của suy giảm nhận thức.
  • Triệu chứng loạn thần: hoang tưởng cho rằng có người lấy trộm đồ đạc nhà mình, có người giả dạng người nhà minh.

Nếu bạn và người thân có các vấn đề trên thì hãy liên hệ trực tiếp tới ThS. BSNT. Ngô Tuấn Khiêm – Nghiên cứu sinh – Tiến sĩ Trường Đại học Y Hà Nội – Bác sĩ giỏi tại Bệnh viện Bach Mai, để đánh giá và tư vấn biện pháp điều trị tốt nhất dành cho bạn.

Với phương châm tất cả vì sức khỏe tinh thần người Việt, lan tỏa tri thức, giúp đỡ cộng đồng nhiều nhất có thể, hàng tháng Bác sĩ có hàng trăm suất tư vấn và điều trị miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu bạn và người thân cần sự giúp đỡ của Bác sĩ, hãy liên hệ qua SĐT: 096.248.2813.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *